29/03/2023

Relation of Confidence and Competence

Ai là người tự tin

Bill Gates đã đặt trọn một nhà hàng được gắn sao Michelin cho đoàn của mình ăn tối, trong khi ông chỉ uống Coca ở đó để chờ ra sân bay! Có những lúc ông cũng kiên nhẫn xếp hàng mua thức ăn nhanh như mọi người. Có phải do ông muốn trau chuốt hình ảnh tự tin của bản thân trên đỉnh của thế giới khi làm như vậy? Chắc là không. Chúng ta có nghi ngờ năng lực của Bill Gates? Cũng không! 😀

Còn giới truyền thông gần đây cho thấy một sự bùng nổ những ngôi sao, người có ảnh hưởng, các KOL (Key Opinion Leader)…. xuất hiện đầy tự tin, cho lời khuyên, dẫn dắt. Một vài người bạn của tôi nói rằng sự tự tin trong đó không phải là bản lĩnh hay năng lực thực sự của tất cả đâu, đôi khi chỉ là quảng cáo thôi. Thực vậy không?

Trong nghiên cứu, hệ số tương quan giữa sự tự tin và năng lực khá yếu (0,3)😂. Nhiều ứng viên có thể trả lời trôi chảy, tạo ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn chứ không làm được như vậy trong công việc về sau. Vậy tại sao các quyển sách self-help, các buổi huấn luyện, đào tạo, tư vấn kinh doanh đều đặt mục tiêu đem lại sự tự tin cho người đọc, người học?

Hãy tỏ ra mình tự tin – Fake it until you make it!

Với trường hợp “Hãy hành động như thể, hay tỏ ra tự tin, quyết đoán cho đến khi bạn có được nó” thì sao? Ở đây không phải bạn đang chơi đùa với sự chính trực của mình. Thực ra bạn đang lặp đi lặp lại một hành vi để tái lập trình não bộ. Từ đó sẽ tạo ra thói quen hữu ích mới để phát triển bản thân, nâng cao năng lực hành vi xã hội chẳng hạn. Thậm chí nhiều nơi còn khuyên bạn học phương pháp tự kỷ ám thị để thành công.

Chúng ta cũng thấy nhiều người tự tin, quyết đoán, gây ấn tượng mạnh mẽ trong những buổi nói chuyện trước công chúng. Có người hỏi rằng liệu họ có thực sự nắm chắc vấn đề? Có và không!

Với người không có nền tảng trong những chủ đề nhất định nhưng nhờ thực hành trình bày thường xuyên cộng với nêu được giá trị cốt lõi người nghe quan tâm thì vẫn chinh phục được họ. Thậm chí cả những người nghe có kiến thức, trải nghiệm vượt trội hơn vẫn thấy mình tâm đắc trong đó. Thí dụ có quanh ta rất nhiều.

Người mạo danh

Cùng một chủ thể truyền thông mà chuyên gia thay đúng giá trị công chúng quan tâm thì kết quả khác hẳn. Một diễn viên không chắc đồng cảm chia sẻ cảnh nghèo lại lấy được nước mắt của người xem. Đó là khi họ tròn vai chạm đến những giá trị như khát vọng vươn lên, tình yêu trong nghịch cảnh của người nghèo…..

Chỉ khi cao trào cảm xúc qua đi và chủ thể truyền thông thể hiện quyền yêu bản thân (narcissistic entitlement) hơi khác thì chung quanh mới ngớ ra. Sự tự tin của ngôi sao trong lòng không thấy gắn với trí tuệ cảm xúc như mình tưởng. Có thể mình đã gặp một người mạo danh.

Khi nào một người có thể tự tin thực sự

Nhiều khi tôi nghĩ kết quả mình có được là sản phẩm của hệ thống 2 (Kahneman: có tư duy tổng thể, có hệ thống, chắt lọc, có tính mới….) – thực ra mình chỉ đang làm ra những gì hệ thống 1 đã lập trình sẵn, khắc sâu trong tâm trí (hành động lặp đi lặp lại theo thói quen). Như người ta thường nói cần biết điều gì đó mới nhận ra được điều mình chưa biết. Mà con người hay có nhận thức thiên kiến.

Nói đến tự tin là nói đến tư duy tích cực, hướng ngoại, biểu cảm mạnh mẽ. Vậy trong thế giới kinh doanh hay con đường sự nghiệp có chỗ đứng cho suy nghĩ ngược lại – tư duy tiêu cực không? Có nhiều là khác! 🤔 Thế thì suy nghĩ tiêu cực đóng góp gì cho thành công trong kinh doanh, sự nghiệp?

Nói KHÔNG mở ra cơ hội 

Đơn cử gần đây, điện mặt trời đang lên ngôi. Nguồn năng lượng này xanh đến đâu hay sẽ để lại nhiều vỉ nướng “bò một nắng”?

Ở đây tư duy tiêu cực – theo nghĩa tìm xem và tránh các yếu tố có thể tác động tiêu cực đến mục tiêu và kết quả đề ra – để nói không – chậm lại một bước là cần thiết. Nói không để kiểm tra toàn diện vấn đề. Nói không để tránh rủi ro khi chuyển tư duy tích cực chuyển thành trái ngọt.

Đã có nhiều phương pháp, kỹ thuật, ví dụ phản biện thành công của “tư duy tiêu cực” được giảng dạy trên thế giới trong quản lý dự án, tư duy chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh, đàm phán thương lượng, bảo vệ chính kiến.v.v…. mà bạn có thể kể ra hàng loạt.

Nói không để người trong cuộc sẽ có những góc nhìn khác nhau. Mà chính từ thay đổi góc nhìn chúng ta có được những năng lực thiết yếu của hôm nay như resilience, adaptability, agility.

Tóm lại, cần hướng đến xây dựng sự tự tin dựa trên năng lực hơn là tạo ra vẻ tự tin bề ngoài. Càng mang trách nhiệm lãnh đạo, dẫn dắt thì càng phải làm gương. Mạo nhận sự tự tin sẽ làm suy yếu khả năng nhận thức, năng lực xã hội, năng lực lãnh đạo cũng như năng lực thực sự nói chung.

Share this content: