Làm sao định nghĩa con người thật nhất của chúng ta
Tự vấn
Trong những năm qua, tôi luôn ngưỡng mộ những người thành công. Bên cạnh đó tôi tự hỏi để có thể thành công như vậy thì có bao nhiêu phần trăm là tự nguyện, khát khao thực sự ? Hay chỉ là một nỗ lực sinh tồn trước nhiều thử thách, cơ hội và thay đổi không ngừng chung quanh.
Còn với tôi, điều gì thực sự mình muốn làm? Vẫn là câu hỏi mình là ai, mình muốn làm gì!
Tầm nhìn
Trả lời cho câu hỏi trên, khi viết resolution cho năm mới có khi tôi cứ có cảm giác mình đang viết cho giấc mơ của người khác. Còn sâu thẳm trong tôi đó không phải là những gì tôi mong muốn. Đó là một sự tránh né phụ thuộc thực tế, mà mình tự an ủi là thích nghi theo điều kiện.
Ah, vậy thì mình quay xe nhé, hãy làm gì đó cho chính giấc mơ của mình. Và kỳ thật, mọi thứ trở nên sáng tỏ. Sục sạo đi tìm chính bản thân, chất vấn lại mơ ước, lật đi lật lại hành trình và kết quả….. Từ đó, như có một sức mạnh bên trong thoát ra giúp tôi nhận rõ con đường đi tới.
Kết nối Quá khứ và Tương lai
Đi tới tương lai nghe có vẽ hợp 🙂 Nhất là khi chung quanh muốn nghe về tương lai hơn là một quá khứ dù rực rỡ thế nào đi nữa.
Mà điều này cũng có ích chứ. Có những quá khứ sáng chói lại đề cập sai chỗ như lúc xét xử tại toà. Có những quá khứ chỉ từ riêng mình, bằng ảnh hưởng chi phối, ấn người khác vào một cái hộp “phát triển”. Đó là những quá khứ không hiệu quả.
Tưởng tự trong kinh doanh cũng có những quá khứ không hiệu quả. Như gần đây, quá khứ tưng bừng của một thương hiệu ô tô mới dừng sản xuất. Liệu có thể duy trì bảo hành tương lai 10 năm? Ai sẽ tiếp tục sản xuất phụ tùng, phụ kiện thay thế cho một sản phẩm đã lỗi thời ? Hay chính sự thúc đẩy của đứa em điện sẽ là biện minh hợp lý để kết thúc nhẹ nhàng cho anh mình.
Steve Jobs bảo nhìn về quá khứ để thấy tương lai khi ông ấy phát triển tầm nhìn kinh doanh. Quá khứ đã khơi gợi, chỉ ra khát khao chưa được đáp ứng. Và khát khao được nắm bắt đã làm nên đế chế Apple đến hôm nay. Jobs đã rất thật khi liên kết quá khứ vào tương lai. “Apple đã rất may mắn khi có những sản phẩm cách mạng, thay đổi cả một ngành kinh doanh”. Những sản phẩm bắt nguồn từ triết lý đi trước, xác định con người cần gì rồi mới đi tìm công nghệ đáp ứng.
Quyền chọn tương lai
Bài học của Jobs ở trên lảm chúng ta nức lòng muốn học và làm theo. Thế mà, tương lai vốn bất định và mong manh. Không phải ai cũng có được khả năng lãnh đạo trên mũi nhọn tương lai như Jobs. Phần còn lại là quyền chọn ở chúng ta.
Chúng ta có cảm nhận gì khi nhìn thấy những người đang trăn trở, vật vã, hào hứng, phấn khích muốn tiếp tục, lật lại, xoay chuyển quá khứ để tạo ra ngày mai ? Phải chăng đó là lúc chúng ta có được hình ảnh định nghĩa thật nhất về họ. Và khi đó, có phải ngày nào trong ta chỉ còn lòng tự hào về những danh hiệu đã qua, thành tựu đã có, ngày đó chúng ta đã đánh mất tương lai? Chỉ cần dừng lại trong an toàn, không mạnh dạn dấn tới thêm. Succession sẽ là tạo ra thành công tiếp nối hay chỉ là tận hưởng thành công đã qua ?
Vì vậy tôi rất thích câu nói của Ben: “Con người thật nhất của chúng ta là con người tương lai. Đó là con người mà ta muốn trở thành”.
Minh Nhựt
Tp. HCM, 16.01.2022